Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 15/2024

Thứ hai, 29/4/2024 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2023; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phồ trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, định hướng cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia tầm nhìn đến năm 2050

Về nội dung chủ yếu, kế hoạch nêu: toàn bộ các dự án đầu tư ngành năng lượng sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Các đề án về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công (theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Trong đó, phân ngành năng lượng mới và tái tạo gồm các lĩnh vực: năng lượng gió; năng lượng mặt trời; năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, khí sinh học; năng lượng chất thải rắn; thủy điện nhỏ; năng lượng tái tạo khác (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt); năng lượng mới (hydro, amoniac, các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro, nhiên liệu tổng hợp…).

Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tỉnh Lào Cai xúc tiến triển khai đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối

Mới đây, đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm trưởng đoàn làm việc với Tập đoàn Erex (Nhật Bản) về việc triển khai dự án nhà máy điện sinh khối tại Lào Cai.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường thông tin với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex Honna Hitoshi về kết quả chuyến công tác tại Nhật Bản của đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai từ ngày 21 - 24/4.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, thời gian qua, Tập đoàn Erex đã tích cực quan tâm, triển khai nghiên cứu, phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư xây dựng các dự án điện sinh khối.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Lào Cai có 30 MW điện sinh khối. Căn cứ pháp lý để triển khai đầu tư điện sinh khối đã đầy đủ. Tập đoàn Erex cũng đã đến khảo sát ở Lào Cai về vùng nguyên liệu, địa điểm xây dựng nhà máy.

Về vùng nguyên liệu, Lào Cai cam kết đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất điện sinh khối với công suất 30 MW. Hiện tại Lào Cai có 4 đơn vị đang sản xuất nguyên liệu cho điện sinh khối, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên.

Đại diện Erex giới thiệu công nghệ sản xuất điện sinh khối với đoàn công tác tỉnh Lào Cai

Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex cho biết, để đảm bảo tính ổn định, hiệu suất đầu tư và tính kinh tế, Erex mong muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối có tổng công suất 50 MW ở Lào Cai.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, có thể đầu tư dự án điện sinh khối tại Lào Cai với tổng công suất 50 MW theo 2 phương án. Phương án 1 là phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 thực hiện 30 MW, giai đoạn 2 nâng công suất thêm 20 MW, như vậy sẽ có thể triển khai sớm. Phương án 2, tỉnh Lào Cai sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị để báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy mô dự án từ 30 MW lên 50 MW.

USAID hợp tác với FPT phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu Net Zero

Tập đoàn FPT đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) nhằm mục tiêu hỗ trợ FPT thiết lập kế hoạch đạt Net Zero vào năm 2040.

FPT là công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam tham gia hợp tác với Chương trình V-LEEP II. Theo nội dung thỏa thuận, trong giai đoạn tháng 4/2024 đến tháng 4/2025, Chương trình USAID V-LEEP II sẽ hỗ trợ FPT thiết lập kế hoạch thực thi cam kết Net Zero.

Cụ thể, đội ngũ chuyên gia của V-LEEP II sẽ cung cấp các kiến thức toàn diện cho FPT về chiến lược Net Zero, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm: cơ chế mua bán điện trực tiếp; chứng chỉ năng lượng tái tạo; hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin; điện mặt trời mái nhà tự dùng và các chủ đề liên quan khác. Đồng thời, V-LEEP II cũng sẽ thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao năng lực theo từng nhóm chủ đề, tư vấn xây dựng lộ trình hợp tác, đào tạo nhân lực, giúp FPT lên kế hoạch triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức carbon trung tính trong quá trình vận hành và phát triển của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Thông qua các thỏa thuận hợp tác này, USAID V-LEEP II cũng sẽ hỗ trợ kết nối FPT với các tổ chức có kinh nghiệm chuyên sâu về năng lượng tái tạo để học hỏi kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: Thỏa thuận hợp tác với USAID thể hiện cam kết của FPT tiên phong ở Việt Nam trong các hoạt động nhằm giảm tác động phát thải khí nhà kính, đạt Net Zero vào năm 2040 và có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống, làm việc, học tập của hơn một triệu người lao động đến năm 2035.

Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc quốc gia USAID Việt Nam nhấn mạnh: USAID rất tin tưởng vào hợp tác lần này với FPT để cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững hơn. Tôi cũng kỳ vọng, các định hướng và cam kết của FPT trong phát triển xanh sẽ có những tác động tích cực đến thế hệ trẻ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ngân Hà (t/h)