Bộ Công Thương chuẩn bị tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi

Thứ năm, 2/5/2024 | 15:37 GMT+7
Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi tại Hà Nội vào ngày 3 - 4/5/2024.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), hiện nay, dự thảo tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi trong thời hạn 60 ngày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị trong 2 ngày từ ngày 3 - 4/5/2024 tại Hà Nội để thảo luận các nội dung như: Quy hoạch đầu tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; an toàn điện, an toàn hồ chứa đập thủy điện…

Ảnh minh họa

Mục đích xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.

Đồng thời, tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.

Tiến Đạt