Nông nghiệp sạch

Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

Thứ hai, 29/4/2024 | 17:24 GMT+7
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong nhiều biện pháp góp phần xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững.

Tại Hội nghị Đối tác sáng kiến NATURE+ ở Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết: Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, với khoảng 51.400 sinh vật, trong đó khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, 20.000 loài lưỡng cư, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển và 7.500 chủng vi sinh vật.

Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người. Với ngành nông nghiệp, đa dạng sinh học thể hiện ở nhiều khía cạnh bao gồm: đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng khẩu phần ăn cho trẻ em; bảo tồn, phục tráng các gên bản địa quý hiếm. Tuy nhiên, do phát triển nóng và chạy theo nông nghiệp sản lượng nên nhiều năm qua, hệ thống sản xuất LTTP tại một số địa phương trở nên kém đa dạng, không cung ứng đủ chất, lượng cho người tiêu dùng.

Vì vậy, sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong nhiều cách xây dựng hệ thống LTTP bền vững, bởi hoạt động này thường gắn liền với sản xuất thực phẩm - khâu quan trọng nhất, cấu thành hệ thống LTTP.

Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với lương thực thực phẩm bền vững

NATURE+ là sáng kiến do Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) khởi xướng. Mục tiêu của sáng kiến là tạo dựng lại hình ảnh, cùng sáng tạo và phát triển các hệ thống nông nghiệp và LTTP dựa trên giải pháp thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo sinh kế và an ninh LTTP tại địa phương nhưng vẫn duy trì đóng góp tích cực và thân thiện với thiên nhiên.

Các hoạt động chính của sáng kiến là bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; quản lý đa dạng sinh học, đất và nước; tăng khả năng phục hồi và chống chịu; đưa ra giải pháp tái chế thân thiện với thiên nhiên; xây dựng một môi trường thuận lợi để các bên liên quan có thể đề xuất giải pháp thân thiện với môi trường.

Theo ông Đào Thế Anh, để xây dựng hệ thống LTTP bền vững, bên cạnh việc đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn thực phẩm, còn cần để ý đến khả năng tiếp cận của người tiêu dùng. 

Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể là lưu giữ, phát triển các giống gene bản địa, người dân cần học cách bảo tồn thông qua việc vận dụng thường xuyên. Chính quyền, cơ quan quản lý nên khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn vào những hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bản địa. Ngoài ra, các viện nghiên cứu, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cũng cần nghiên cứu, chọn tạo những giống phù hợp với từng điều kiện thực tế và có các hướng dẫn tương ứng.

Bên cạnh việc phổ biến kiến thức, địa phương cần thành lập, xây dựng các câu lạc bộ về tiêu dùng thực phẩm lành mạnh cũng như cách chế biến đảm bảo dinh dưỡng, hương vị cho những thực phẩm bản địa.

TS. Diego Naziri, Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP), đầu mối của NATURE + tại Việt Nam chia sẻ, tại Việt Nam, thói quen thực hành nông nghiệp không bền vững đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị suy thoái, ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, tình hình trở nên trầm trọng hơn do đất đai bị chia cắt, chuỗi giá trị sản xuất hạn chế phát triển.

Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, ông Diego Naziri đề ra 2 giải pháp gồm tăng cường các biện pháp tích cực tự nhiên và nâng cao trách nhiệm của trang trại, cộng đồng. Trong đó, nông nghiệp tích cực tự nhiên đặc trưng bởi việc sử dụng tái tạo, không cạn kiệt và không phá hủy tài nguyên thiên nhiên, dựa trên quản lý môi trường và đa dạng sinh học như hấp thụ carbon, điều hòa đất, nước và khí hậu. Trong khi đó, nâng cao trách nhiệm của trang trại, cộng đồng là nâng cao trách nhiệm của người sản xuất (trang trại) và người tiêu dùng (cộng đồng). Đó có thể là tăng cường quản lý rác thải nông thôn, sử dụng nhiều hơn mạng lưới các nhà bán lẻ địa phương, ưu tiên sử dụng những sản phẩm công khai, minh bạch thông tin.

Ngọc Mai (T/H)