Trao đổi giải pháp quản lý nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 28/4/2024 | 16:03 GMT+7
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Việt Nam xanh, hội thảo có chủ đề “Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo nhằm thúc đẩy, tìm giải pháp, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL. Qua đó, lan tỏa truyền thông giúp các địa phương, người dân, doanh nghiệp có thông tin đầy đủ hơn về tình hình hạn mặn, thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt. Thông qua hội thảo, các chuyên gia cùng làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến giải pháp dài hạn, lộ trình và bước đi phù hợp trong việc ứng phó với hạn mặn tại ĐBSCL trong thời gian tới.

Quản lý nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ rõ những thách thức đối với nguồn nước vùng ĐBSCL bao gồm: phụ thuộc vào nước ngoài; phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian; chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; cùng với đó là vấn đề suy giảm dòng chảy, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu đề xuất một số giải pháp trước mắt như: tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại.

Về lâu dài, trong quá trình đầu tư phát triển, các ngành cần tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến định hướng phát triển các ngành phù hợp với từng vùng sinh thái như nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, trường Đại học Cần Thơ, đối với giải pháp quản lý nguồn nước vùng ĐBSCL, các bên cần tập trung cắt giảm sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao; tăng cường pháp chế liên quan kiểm soát nguồn nước; thường xuyên theo dõi vấn đề nước xuyên biên giới trên lưu vực; tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý và chia sẻ thông tin nguồn nước rộng rãi, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước.

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương vùng ĐBSCL nên phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa. Các tỉnh/thành vùng ĐBSCL cũng cần xây dựng thêm nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt; hạn chế khai thác nước ngầm…

Các chuyên gia đã cùng lắng nghe, trao đổi và thống nhất nhiều giải pháp trong ngắn và dài hạn về bảo vệ nguồn nước vùng ĐBSCL.

Khánh An (T/H)