Ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải tại Bình Thuận

Chủ nhật, 21/4/2024 | 10:24 GMT+7
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính tại Bình Thuận.

Hội thảo nằm trong dự án Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính

Theo thông tin tại hội thảo, năm 2021, Bình Thuận tham gia dự án Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam. Dự án triển khai tại 3 huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam với 4 hoạt động chính là thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long; kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp. Dự án được triển khai sẽ có 4.500 người hưởng lợi, trong đó số người hưởng lợi trực tiếp trên 1.000 người, ưu tiên các hợp tác xã là nữ lãnh đạo và thanh niên quản trị.

Sau 3 năm tham gia dự án, thông qua 4 hoạt động chính, đến nay đã có 100% hộ thành viên hợp tác xã, nông dân sử dụng đèn led 9W; có hơn 80.000 bóng đèn led tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi, nông dân tiết kiệm hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới.

Đặc biệt, nhật ký điện tử “Chuỗi thanh long xanh” có theo dõi dấu chân carbon cho sản phẩm chế biến; có thể quét mã QR để chứng minh chất lượng và trách nhiệm môi trường của hoạt động chế biến thanh long Bình Thuận. Đây là điểm sáng tạo, đột phá trong quá trình thực hiện dự án; thúc đẩy phát triển hướng xanh, sạch; góp phần thực hiện canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Thuận, cũng như góp phần thực hiện NDC của Việt Nam. Việc nhân rộng các kết quả của dự án; chuẩn hóa các thực hành thanh long bền vững, carbon thấp, khuyến khích cách tiếp cận tuần hoàn và đề xuất các giải pháp tài chính để nhân rộng mô hình đã triển khai đang mở ra hướng đi mới cho thanh long Bình Thuận.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận nội dung liên quan đến Đề án Phát triển thanh long bền vững, hiệu quả và ít phát thải; một số giải pháp, công nghệ và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính... Để cây thanh long phát triển bền vững, cần rà soát và xác định vùng trồng tối ưu; dần khuyến khích nông dân chuyển đổi sang giống chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, ứng dụng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong canh tác như khai thác lệch vụ với thị trường Trung Quốc, chú ý đến công nghệ chế biến và chế biến sâu từ quả thanh long…

Bảo An (T/H)