Năng lượng mặt trời

Nông điện đem lại nhiều ý nghĩa và lợi ích thực tiễn

Thứ năm, 13/7/2023 | 15:25 GMT+7
Ngày 13/7, mô hình Nông điện thí điểm tại Việt Nam do Công ty Năng lượng Hàn Quốc Envelops và các đối tác hỗ trợ được khánh thành tại Trường Đại học Đà Lạt với sự tham dự của các bên, các sở, cơ quan liên quan của Lâm Đồng.

Mô hình Nông điện của Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam

Mô hình Nông điện này được hình thành trên cơ sở thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt đã thảo luận khả năng hợp tác giữa thành phố Đà Lạt với Công ty Envelops của Hàn Quốc vào ngày 22/4/2022. Mục đích nhằm trao đổi về dự án năng lượng tái tạo – công nghệ điện nông và thảo luận về khả năng hợp tác với thành phố Đà Lạt-một trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Theo đó, Trường Đại học Đà Lạt và Công ty Envelops đã hợp tác xây dựng mô hình thí điểm tại khuôn viên nhà trường phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mô hình có tổng kinh phí đầu tư khoảng 50.000 USD, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp dưới hệ thống điện mặt trời với công suất 32.4 Kwp. Mô hình được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hàn Quốc và kỹ thuật từ các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đại diện các bên cắt băng khánh thành mô hình Nông điện thí điểm 

Phát biểu tại lễ khánh thành mô hình Nông điện thí điểm, PGS, TS. Nguyễn Tất Thắng-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, ông Sung Yuon – Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Envelops và bà Phạm Thị Nhâm-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đều ghi nhận và kỳ vọng những ưu việt của điện năng lượng mặt trời như: góp phần giải quyết an ninh năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu (nhất là tỉnh Lâm Đồng đang chủ trương giảm diện tích nhà kính, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp) và định hướng của tỉnh hướng đến một nền nông nghiệp sạch…

Ông Sung Yoon cho biết thêm: Dự án mô hình Nông điện thí điểm đã được Công ty Envelops hỗ trợ triển khai tại 16 địa điểm ở Hàn Quốc và nay là tại Trường Đại học Đà Lạt ở Việt Nam. “Công ty thiết kế mô hình trên các thông số kỹ thuật, đặc biệt dựa vào hoàn cảnh môi trường của địa phương Đà Lạt. Ngoài bài toán giải quyết bằng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, giúp nông dân chủ động và tiết kiệm nguồn năng lượng trong sản xuất nông nghiệp, mô hình còn hạn chế thời tiết khắc nghiệt như mưa to, sương dày đặc…Qua mô hình, nhằm tìm sự thay đổi của cây trồng bên dưới hệ thống năng lượng mặt trời và theo đó áp dụng cho các loài cây trồng khác nhau”, Giám đốc Sung Yoon cho biết.

Thăm quan mô hình Nông điện

Trước mắt, mô hình Nông điện thí điểm tại Trường Đại học Đà Lạt áp dụng trên hai loại cây trồng là khoa tây và ngô, sau đó tiếp tục nghiên cứu đối với các loại cây trồng khác ở Lâm Đồng. Theo đó, mô hình đồng thời được tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế để chuyển giao cho nông dân trong tỉnh, nhất là đối với vùng sâu khi nguồn năng lượng chưa đáp ứng nhu cầu.

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Chính phủ Đức

Trước đó, Trường Đại học Đà Lạt đã có chủ trương hợp tác trong khuôn khổ phát triển năng lượng sạch của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam. Được biết, từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác phát triển của Chính phủ Đức tại Việt Nam, hình thành nên Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP).

Chương trình nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thông qua tăng cường khung pháp lý cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý của các bên liên quan.

Các hoạt động dự án của Chương trình ESP thuộc một trong ba lĩnh vực hoạt động sau: Khung pháp lý, Nâng cao năng lực, Hợp tác công nghệ. Với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công thương, Chương trình ESP đang hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng.

Hợp tác khoa học quốc tế về năng lượng sạch là một trong những mục tiêu của Trường Đại học Đà Lạt

Trong khuôn khổ của Chương trình ESP, Trưởng Phòng Quản lý khoa học-Quan hệ quốc tế (Trường Đại học Đà Lạt), tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh cho biết: Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) xây dựng hệ thống phát điện mặt trời mái nhà cho hệ thống nhà kính của Trường phục vụ nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp. Dự kiến diện tích tối thiểu 2.000 m2, thực hiện trong 4 năm, kinh phí dự kiến 100.000 USD (GIZ hỗ trợ toàn bộ trang thiết bị, tập huấn, nghiên cứu và vận hành với kinh phí 95.000 USD); Trường Đại học Đà Lạt tổ chức các hoạt động nghiên cứu, vận hành và bảo trì hệ thống từ nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học tương ứng khoảng 5.000 USD/4 năm. Hệ thống điện mặt trời mái nhà sau khi dự án kết thúc, cơ quan Hợp tác quốc tế Đức sẽ bàn giao cho nhà trường quản lý, vận hành và sử dụng, bà Trịnh Thị Tú Anh cho biết.   

Minh Đạo
: Nongdien