Năng lượng tái tạo

Việt Nam mới khai thác một phần nhỏ năng lượng tái tạo

Thứ tư, 1/11/2017 | 09:31 GMT+7
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn gồm: điện sinh khối, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt trời, thủy triều... Tuy nhiên việc khai thác thực tế chỉ chiếm một phần nhỏ so với tiềm năng lý thuyết.

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 mới tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tiềm năng lý thuyết năng lượng tái tạo của Việt Nam tương đối lớn nhưng tiềm năng kỹ thuật khai thác còn hạn chế. Cụ thể, Việt Nam có tiềm năng lý thuyết năng lượng tái tạo trên 9,1 triệu MW nhưng tiềm năng khai thác chỉ 385 nghìn MW (chiếm khoảng 4,2%).

“Về năng lượng mặt trời, với tiềm năng lý thuyết đưa ra là khoảng 6 triệu Mw, tiềm năng kỹ thuật là khoảng hơn 300.000 Mw. Tuy nhiên, từ tiềm năng kỹ thuật này để đi đến tiềm năng kinh tế thì con số sẽ còn giảm đi rất nhiều” - TS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra ví dụ.

Tính tới tháng 7/2017 có trên 250 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất đăng ký trên 30.000MW tập trung tại tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắc Lắc, Tây Ninh, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa.

Theo ông Tuấn thách thức cho ngành năng lượng tái tạo đó là vốn ban đầu rất lớn; chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác chưa tính đến các chi phí hệ thống khác; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao; khó khăn và chi phí cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu không đáng tin cậy.

Các chuyên gia đánh giá, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa được các nhà đầu tư quan tâm chủ yếu do vốn đầu tư ban đầu rất lớn và là một trong các trở ngại lớn nhất. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác, chưa tính đến các chi phí hệ thống khác. Hiện giá bán lẻ điện năng lượng tái tạo bình quân là 1.622 VND/kWh (7,2 US cents/kWh). Mặt khác, cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao; khó khăn và chi phí cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu kinh nghiệm phát triển và thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án...

Đánh giá về tiềm năng năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nước ta có tiềm năng lớn đối với điện năng lượng mặt trời. “Nếu chúng ta cho  sản xuất  pin mặt trời tại Việt Nam, phụ kiện tại Việt Nam… thì giá sẽ rất rẻ, người dân có thể mua được. Và như vậy câu chuyện pin mặt trời cho từng gia đình là hoàn toàn có thể.

Tuy  nhiên, để phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều rào cản và thách thức như: vốn đầu tư ban đầu lớn, chi phí sản xuất, quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao, khó khăn trong việc đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng tái tạo.

Còn đại diện Hiệp hội Đường mía Việt Nam thì cho rằng, việc sử dụng bã mía để cung cấp năng lượng còn một số bất cập. “Giá điện của các công ty mía đường hiện nay được mua là 5,8 cent/KWh, giá khá thấp nên các nhà máy không mặn mà” - ông Hà Hữu Phái, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, để phát triển năng lượng bền vững trong tương lai, đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Chính vì vậy, cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình này.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Điển hình như Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ đến năm 2020 với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn…